Ngoài món chả rươi ngon nức tiếng đã quá đỗi quen thuộc đối với người Hà Nội thì Hải Dương còn có nhiều món đặc sản khác mà nếu đã thưởng thức một lần sẽ khiến người ta nhớ mãi như vải thiều Thanh Hà, bún cá rô đồng, bánh dày Gia Lộc, bánh gai Ninh Giang, bánh đậu xanh, bún cá rô đồng, bánh đa gấc Kẻ Sặt…
>> Xem thêm:
Bánh gai là thức quà giản dị của nhiều vùng quê, nó không phải sản vật gì độc lạ nhưng tại sao thương hiệu Bánh gai Ninh Giang vẫn nổi tiếng và được nhiều người săn đón đến vậy? Về Hải Dương, thật thiếu sót nếu như bạn bỏ lỡ cơ hội thưởng thức chiếc bánh gai Ninh Giang thơm ngon nức tiếng.
Lịch sử bánh gai Ninh Giang
Nghề làm bánh gai ở Ninh Giang đã có từ rất lâu đời nhưng trải qua bao năm vẫn chưa từng bị thất truyền. Không ai biết bánh gai Ninh Giang có từ bao giờ và kể từ khi nào lại nổi tiếng đến vậy. Nhiều cụ già kể lại rằng, nghề làm bánh gai Ninh Giang ít nhất đã có từ 700 năm trước. Cha truyền con nối, đời này sang đời khác, dù có đôi lúc làng nghề phải sản xuất cầm chừng nhưng chưa từng dừng lại.
Truyện xưa kể rằng, năm ấy mất mùa người dân đói kém không có gì ăn, hai vợ chồng nghèo nọ đành phải vào rừng tìm cây lá mọc tự nhiên về nấu cùng cơm gạo. Họ tìm tìm thấy một loại lá cây đem về nấu thấy dẻo và ngon liền thái, phơi khô để dành. Dần dà, họ nghĩ ra cách làm bánh cùng bột gạo nếp, ăn vừa thơm ngon mà lại để được đâu. Bánh gai Ninh Giang đã ra đời như thế, cây lá mà tìm được ngày ấy người ta gọi là lá gai. Theo thời gian, bánh gai được các đời con cháu dần cải tiến từ các nguyên liệu bên trong cho đến vỏ bánh bên ngoài, mang đến hương vị đặc trưng cho bánh gai của làng nghề truyền thống này.
Ban đầu, bánh gai Ninh Giang chỉ được làm trong những dịp đặc biệt như lễ tết, hội hè, ma chay, cưới hỏi… để phục vụ gia đình và biếu tặng khách đến thăm. Tiếng lành đồn xa, vị ngon thơm đặc biệt của loại bánh mộc mạc này khiến khách hàng và thương lái đến thu mua ngày một nhiều. Đến những năm 40 của thế kỉ 20, Ninh Giang đã có 2 nhà hàng lớn chuyên sản xuất bánh gai. Bánh gai Ninh Giang giờ được làm để cung cấp cho người dân trong nước và phục vụ cả nhu cầu biếu tặng cho khách nước ngoài. Ninh Giang hiện nay với hơn 100 cơ sở sản xuất bánh gai, tạo công ăn việc làm và nguồn thu kinh tế quan trọng của làng, hỗ trợ cả lao động ở những vùng lân cận.
Bánh gai Ninh Giang có gì đặc biệt?
Tuy không phải là nơi sáng tạo ra bánh gai nhưng bánh gai Ninh Giang mang một hương vị thơm ngon riêng khó lẫn vào đâu được.
Những chiếc bánh gai đen, nhỏ được gói trong những chiếc lá chuối khô tưởng chừng đơn giản, dễ làm mà không phải vậy. Nguyên liệu dùng để làm bánh gai như bột lá gai, nếp cái hoa vàng, đỗ xanh, dừa nạo, mỡ phần và mứt hạt sen cùng lá chuối khô gói bên ngoài phải được lựa chọn rất tinh tế và kỹ càng.
Lá gai tươi qua vài lần phơi nắng, vài lần luộc rồi mới đem nghiền thành bột. Những nghệ nhân làm bánh lâu năm ở đây chia sẻ, vì tính mát của lá gai nên nó đã được sử dụng để làm bánh, tạo thành hương vị thơm ngon hấp dẫn bao nhiêu người.
Gạo để làm bánh phải là loại gạo đặc sản nếp cái hoa vàng ngon dẻo và thơm. Mật để làm bánh cũng là loại mật rất ngọt, trước khi trộn với bột lá gai và bột gạo nếp thì mật phải được đun cho nóng cho dễ trộn. Bột cũng được vắt trong thời gian rất dài để bánh có độ mềm, độ dẻo tuyệt đối. Lá gai cũng phải là loại lá đẹp, lá gai nếp với chất lượng tốt nhất để bánh được dẻo thơm. Phần mỡ lợn được chọn làm nhân bánh là mỡ cổ lợn được muối với đường để mỡ giòn sần sật và không bị ngấy. Hạt sen thơm, nguyên vị, mềm mà không bị nát.
Bánh gai Ninh Giang được gói trong lá chuối khô và hấp trong khoảng 2 giờ để bánh chín và dậy mùi thơm. Thành phẩm là chiếc bánh hấp dẫn, có vị ngọt thanh thanh, thơm ngậy mà không ngấy với độ mềm dẻo vừa phải, càng ăn càng thấy ngon.
Bánh gai Ninh Giang là đặc sản nổi tiếng của Hải Dương, du khách đến tham quan vùng đất này đều không quên tham quan làng nghề truyền thống Ninh Giang và mua bánh gai về làm quà. Có dịp ghé qua, bạn hãy tự mình thưởng thức món quà dân dã mà đáng quý này nhé!