Bánh lòng Kinh Môn lai rai ngày Tết

Hải Dương là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và bề dày văn hóa ẩm thực. Nơi đây nổi tiếng với những đặc sản được du khách gần xa biết đến như bánh đậu xanh, bánh gai Ninh Giang, vải thiều Thanh Hà, rươi Tứ Kỳ, bánh dày Gia Lộc… Một trong số những đặc sản không thể thiếu khi nhắc đến Hải Dương đó là Bánh Lòng Kinh Môn. Món bánh này nổi tiếng không chỉ bởi hương vị thơm ngon mà còn bởi ý nghĩa đặc biệt của nó trong văn hóa người dân nơi đây.

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, cùng với bánh chưng, ở vùng đất Kinh Môn, Hải Dương trong mâm cỗ tết không thể thiếu những cỗ bánh lòng. Món bánh truyền thống như tấm lòng thơm thảo hiếu nghĩa của con cháu dâng lên ông bà tổ tiên, dâng lên đất trời. Đây cũng là thức quà quý được mang ra tiếp đãi khách ngày tết để tỏ lòng mến khách.

>> Xem thêm:

Theo thời gian, món bánh lòng ngày càng được nhiều người biết đến và yêu thích. Thay vì chỉ bó hẹp trong gia đình, thôn xóm, bánh lòng được người dân Hải Dương sản xuất nhiều hơn để đến tay mọi người trên mọi miền đất nước. Đây là đặc sản thường được du khách đi du lịch Hải Dương chọn để mua về làm quà cho bạn bè người thân, đặc biệt là trong các dịp du xuân trẩy hội.

Nguyên liệu làm bánh dân dã, gần gũi

Bánh Lòng Kinh Môn là đặc sản quý được kết tinh từ những tinh hoa của trời đất, sự sáng tạo, cần cù, khéo léo của bàn tay người lao động. Bánh được làm từ những nguyên liệu vô cùng dân dã, gần gũi đời thường, dễ kiếm trên mọi cánh đồng làng quê như:

  • Gạo nếp cái hoa vàng
  • Đường trắng
  • Lạc
  • Thịt ba chỉ quay kỹ
  • Mứt
  • Dừa khô
  • Hương liệu

Khâu chọn nguyên liệu được tiến hành rất kỹ lưỡng: gạo nếp phải chọn loại ngon nhất, hạt to đều, mới được phơi già; lạc phải là chọn những hạt già, mẩy; vừng chọn loại vừng đen là ngon nhất, hạt già và to… Đây là khâu rất quan trọng để tạo được độ ngon đặc trưng cho bánh.

Bánh lòng Kinh Môn - đặc sản Hải Dương
Bánh lòng Kinh Môn – đặc sản Hải Dương

 

Làm bánh lòng vô cùng cầu kỳ, phức tạp

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Trước khi bắt tay vào đổ khuôn cho bánh, một số nguyên liệu cần phải sơ chế trước:

  • Gạo nếp cái hoa vàng được nổ thành bỏng rồi đập vụn càng nhỏ càng tốt.
  • Gừng được cạo và rửa sạch sau đó giã nát đem nấu sôi cùng với nước đường. Theo kinh nghiệm, đường cô càng kỹ, bánh sau này sẽ càng chắc, dẻo và thơm hơn nhiều so với khi ta cô ít.
  • Lạc được rang thơm, sẩy sạch vỏ
  • Vừng rang chín cho đến khi có mùi thơm.
  • Thịt ba chỉ thái hình con rươi, quay thật kỹ.

Bước 2: Chế biến bánh lòng

Sau khi đã sơ chế xong hết thì cho tất cả mọi nguyên liệu bao gồm bỏng đập nát, dừa khô, lạc, vừng, thịt ba chỉ, mứt, hương liệu vào nồi đường cô đảo thật đều, nhanh, nhuyễn. Khâu này là khâu rất khó, vì nếu ta đổ chậm hoặc không nhanh tay thì sẽ không đảo được quánh hết tất cả, đường gặp bỏng nếp sẽ bị vón thành những cục lớn, nên phải thật nhanh tay đảo lên.

Khi nguyên liệu đã được đảo đều, đổ bánh vào khuôn để ép. Đến khâu ép bánh cũng là cả 1 vấn đề, mặc dù có khuôn và ép theo khuôn nhưng phải ép là sao cho thật vuông hết các góc của khuôn, nén sao cho thật chặt để khi bỏ khuôn ra thì bánh không bị chảy xệ xuống vì bánh vẫn còn rất nóng.

Theo như sự chia sẻ của người dân nơi đây thì để làm được 1 chiếc bánh lòng rất khó, rất tốn thời gian và phải tập trung, nếu quên 1 công đoạn nào thì bánh sẽ mất vị. Đối với bánh lòng nếu càng nhiều gừng thì ăn càng thơm, càng cay, ăn càng ngon. Một chiếc bánh đạt chuẩn là bánh dùng dao cắt ngọt, ăn dai, ngọt thanh, cay và rất thơm.

Thơm thảo bánh lòng, thờ cúng tiên tổ

Làm Bánh Lòng Kinh Môn khác với những loại bánh khác, bởi mọi công đoạn làm bánh đều rất cầu kỳ, từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu trộn nguyên liệu, nấu nguyên liệu, đóng bánh vào khuôn, tất cả đều rất khó không chỉ cần kinh nghiệm mà còn phải có sự khéo léo thì mới làm ra những chiếc bánh vừa ngon lại vừa đẹp mắt.

Bạn nên thưởng thức bánh lòng khi ghé thăm Hải Dương
Bạn nên thưởng thức bánh lòng khi ghé thăm Hải Dương

Bánh lòng từ lâu đã trở thành thứ bánh đặc sản truyền thống của vùng đất Kinh Môn. Thế nhưng ở ngay trên mảnh đất này, người ta không thể thấy thứ bánh này ở quán nước hay bất cứ phiên chợ nào mà chỉ thấy trên bàn thờ gia tiên trong dịp tết đón đón xuân. Đó như nét đẹp truyền thống nơi đây, cũng như bánh đậu xanh, bánh lòng kinh môn luôn được đặt trên bàn thờ mỗi gia đình vào dịp tết, như là để nhớ lại công lao to lớn của tổ tiên.

Bánh lòng ngon nhất nếu được thưởng thức với trà nóng khi bánh vừa làm xong, vị cay cay vừa thơm bùi vừa béo ngọt thích hợp với vị đắng của trà. Bánh mềm mềm, dẻo dẻo, rất ngon bởi được làm thủ công hoàn toàn, không sử dụng các chất hóa học hay chất bảo quản. Nhưng cũng vì thế mà thời gian bảo quản bánh không được lâu, chỉ để được trong khoảng 10 ngày.

Bánh Bánh Lòng Kinh Môn khác biệt với những loại bánh làm từ gạo khác như bánh cáy, chè lam,… bởi vị ngọt dẻo bùi thơm, cay nhẹ của gừng, bỏng gạo nếp cái hoa vàng, lạc rang và đường quyện lại. Sản vật của vùng đất núi Kinh Môn dù chưa được nhiều người biết đến nhưng chỉ cần thử một lần cũng khó có thể quên được. Bên cạnh đó vùng đất Hải Dương còn nhiều những đặc sản thơm ngon nổi tiếng khác: bánh đậu xanh, bánh gai Ninh Giang, con rươi Từ Kỳ, gà Mạnh Hoạch,… Bạn có thể tham khảo tại đây.