Bánh đa cua là một trong 5 món ăn ngon khiến thực khách say lòng khi đến Hải Phòng. Bát bánh đa cua nóng hổi thơm lừng vị cua, chả lá lốt và các loại rau ăn kèm sẽ cho cả gia đình một bữa ngon miệng, đổi vị cho những bữa cơm hàng ngày. Thay vì tìm mua ở các quán xá xa xôi mà phải lo lắng về chất lượng và an toàn vệ sinh, bạn hoàn toàn có thể tự làm món ăn ngon này theo đúng kiểu Hải Phòng ngay tại nhà theo công thức Cách Nấu Bánh Đa Cua dưới đây.
Nguyên liệu
- 1kg cua đồng
- 500g sườn thăn
- 200g chả chiên
- 200g giò sống hoặc
- 200g thịt nạc vai
- 150g mỡ phần
- 2 quả cà chua
- 15g nước cốt me
- 15g mắm tôm
- 50g nấm mèo
- 5g tôm khô
- Bánh đa đỏ
- Hành lá, lá lốt, hành tím, tôm khô
- Rau ăn kèm: rau ngò, rau muống, rau nhút, xà lách, tía tô, rau cần…
- Gia vị khác: Đường, muối, hạt nêm, mì chính, hạt tiêu, nước mắm, dầu ăn,…
Sơ chế nguyên liệu
- Cua rửa sạch, cho vào nồi đậy vung xóc cho đều. Sau đó lấy cua ra tách gạch cua để riêng trong bát, bỏ phần mai và phần yếm, lấy phần thân giã nhuyễn. Cho phần cua đã xay ra bát tô lớn, thêm nước lọc, khuấy đều và lọc qua rây hoặc túi vải để lấy nước, bỏ bã. Để riêng phần nước đã lọc.
- Sườn rửa sạch, chặt miếng, đun sơ qua sườn với nước sôi trong 3 phút cho sạch mùi hôi rồi đổ nước đi, hầm sườn lần 2 với vài củ hành tím nướng để lấy nước dùng.
- Cà chua rửa sạch, thái múi cau.
- Chả chiên cắt miếng nhỏ, vừa ăn.
- Mỡ rửa sạch với nước muối pha loãng, thái hạt lựu và chần qua nước sôi rồi vớt ra rổ để cho ráo nước.
- Nấm mèo ngâm nở, rửa sạch, băm nhỏ.
- Thịt nạc rửa sạch, xay nhỏ.
- Rửa sơ bánh đa với nước lạnh.
- Tôm khô ngâm vào nước, vớt lấy phần nổi, rửa sạch, để cho ráo nước.
- Cho me chín vào nước sôi, dùng thìa tán lọc lấy nước me.
- Rau sống rửa sạch, ngâm muối, để ráo nước. Rau muống, rau nhút, rau cần nhặt sạch, luộc chín với ít muối, vớt ra để riêng.
- Hành lá chỉ lấy gốc, rửa sạch rồi chẻ nhỏ.
Chế biến
Bước 1: Làm chả lá lốt
- Thịt nạc vai đã xay nhuyễn đem trộn đều với nấm mèo, hành tím băm nhỏ. Nêm nếm gia vị đường, hạt tiêu, nước mắm, mì chính sao cho vừa miệng.
- Dùng lá lốt cuốn gọn hỗn hợp đã trộn ở trên, cho dầu vào chảo đun cho nóng già và rán chả lá lốt, lật 2 mặt cho đến khi chả chín đều là được.
- Vớt chả lá lốt ra, để trên đĩa hoặc giấy thấm dầu cho ráo mỡ.
Bước 2: Chế biến các nguyên liệu ăn kèm khác
- Nêm thêm một ít bột ngọt, mắm tôm cho vừa ăn vào nồi nước lọc cua đã để riêng ra lúc đầu rồi nấu với lửa nhỏ. Trong lúc nấu, dùng đũa đảo nhẹ để gạch nổi lên, tự kết dính vào nhau. Vớt phần riêu cua này ra, để riêng trong bát. Giữ lại phần nước cua đổ vào nước sườn hầm để làm nước dùng.
- Mỡ đã ráo nước thì cho vào chảo, đảo đều cho mỡ vàng giòn. Khi tóp mỡ gần chín, cho hành tím xắt mỏng vào, phi đến khi hành và tóp mỡ ngả màu vàng thì vớt ra để riêng.
- Cho gạch cua vào chảo mỡ nước còn thừa, đảo cho thơm rồi múc ra để riêng.
- Có thể chiên lại chả chiên cho nóng và đảm bảo hơn.
- Nguyên liệu ăn kèm khá phong phú và tốn nhiều thời gian để chuẩn bị. Nếu đủ tỉ mỉ thì bạn nên chuẩn bị đủ để bát bánh đa cua ngon và đầy đặn hơn, nếu thiếu thời gian hoặc nguyên liệu thì bạn cũng có thể linh động thêm bớt tùy ý nhé!
Bước 3: Làm nước dùng
- Bắc chảo lên bếp, thêm dầu ăn đun cho nóng già rồi phi hành cho thơm, bỏ cà chua vào xào cùng, thêm muối mắm, đảo đều tay.
- Sau đó trút tất cả cà chua đã xào mềm vào nồi nước dùng bao gồm nước cua và nước sườn hầm đã chuẩn bị sẵn để tạo vị chua.
- Viên giò sống thành những viên mọc vừa ăn, cho vào nước dùng, đun chín giò sống.
- Nêm lại gia vị cho vừa ăn. Gia vị ở đây là mắm, muối, đường, hạt tiêu, mì chính,… Cho thêm mắm tôm, tôm khô và nước cốt me để có nồi nước dùng mang hương vị thơm ngon đúng điệu.
Thưởng thức
- Lúc ăn, nhúng bánh đa đỏ vào nước nóng trong khoảng 30 giây cho mềm rồi cho ra mỗi bát một lượng vừa ăn.
- Xếp chả chiên, chả lá lốt, gạch cua, gốc hành lá, hành phi, tóp mỡ, rau muống luộc vào tô cho đẹp, chan nước dùng rồi thưởng thức. Khi ăn có thể chan thêm một hay 2 muỗng nước me vào cùng để tạo độ chua. Ăn bánh đa cua kèm với dấm tỏi ớt và các loại rau: rau ngò, rau muống, rau nhút, xà lách, tía tô, rau cần đã chuẩn bị sẵn.
- Món bánh đa cua Hải Phòng không chỉ ghi điểm bởi mùi thơm thanh ngọt của nước dùng, vị chua ngon cuốn hút mà còn có vẻ bề ngoài bắt mắt từ nhiều loại nguyên liệu ăn kèm.
- Bánh đa chín tới không cứng dai không mềm nhũn, chả lá lốt thơm ngậy vị đặc trưng, chả chiên dai dai mềm mềm, gạch cua béo, sườn non mềm ngọt thịt…
- Bưng bát bánh đa cua nóng hổi ăn kèm với rau sống, ăn no cũng không thấy ngấy.
>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Hương vị đậm đà của bát bún cá rô đồng Hải Dương.
Trên đây chúng tôi đã chia sẻ Cách Nấu Bánh Đa Cua Hải Phòng ngon và đầy đủ nhất. Còn chờ đợi gì mà bạn không thử thay đổi thực đơn cuối tuần ngay cho bữa ăn bớt nhàm chán. Hãy chia sẻ với chúng tôi thành quả của bạn nhé!