Cách làm ruốc rươi

Đặc sản rươi Hải Dương từ lâu đã được những người sành ăn ở Hà Nội và nhiều nơi trên cả nước biết đến với những món ngon khó cưỡng lại. Thông thường, rươi được ưu tiên để chế biến thành những món chính như nem rươi, lẩu rươi, rươi rang muối, rươi kho nồi đất, rươi cuốn lá lốt… Nhưng có một cách chế biến rươi rất đặc biệt, dùng để ăn kèm với các món thịt thông thường như thịt lợn luộc hoặc quay, giò, thịt bê hấp, vịt quay,… đó là ruốc rươi. Đặc biệt không chỉ ở chỗ hương vị thơm ngon của loại nước chấm này sẽ biến các món thịt quen thuộc thành sơn hào hải vị mà còn đặc biệt ở cách chế biến tỉ mỉ, cầu kỳ, không phải ai cũng làm được.

>> Xem thêm: Những món ngon từ rươi cho thực khách ghé thăm Hà Nội.

Đặc sản ruốc rươi

Ruốc rươi nhiều nơi còn gọi là mắm rươi được làm từ loài hải trùng quý hiếm chỉ có một số vùng ven biển nước ta. Ruốc rươi Hải Dương nổi tiếng bậc nhất bởi chất lượng cao, kể cả là từ nguyên liệu cho đến thành phẩm đều rất thơm ngon, khó có rươi nơi nào sánh kịp. Hương vị đặc biệt của ruốc rươi được làm nên bởi những người có nhiều năm kinh nghiệm, ở mỗi vùng hay thậm chí là mỗi gia đình theo nghề nuôi rươi lại có những bí quyết riêng để làm nên món ruốc rươi độc đáo.

Ruốc rươi xưa kia vốn là cách bảo quản rươi phổ biến nhất. Khi rươi chưa được nhiều người biết đến, cứ những tháng đầu thu ở những vùng có rươi lại thu hoạch được số lượng rươi nhiều không kể xiết. Tuy nhiên, rươi lại không để được lâu nên bên cạnh việc chế biến những món ăn từ rươi tươi sống, người ta đã nghĩ ra cách làm ruốc rươi để có thể bảo quản rươi trong thời gian dài hơn. Với cách chế biến này, rươi sau khi ủ xong có thể thưởng thức cùng cơm nóng nhưng phổ biến hơn là cách dùng như một loại nước chấm đậm đà với các món thịt khác.

Mắm rươi - đặc sản của vùng đất Tứ Kỳ Hải Dương
Ruốc rươi – đặc sản của vùng đất Tứ Kỳ Hải Dương

Rươi giờ đã thành đặc sản, ngày càng khan hiếm hơn và giá cả cũng ngày càng đắt đỏ. Thông thường, giá một chai ruốc rươi 500ml có giá từ 500.000đ đến 600.000đ nhưng vẫn luôn cháy hàng, làm không đủ bán. Người ta thường mua ruốc rươi vào dịp lễ tết như món quà dân dã mà quý hiếm để biếu tặng hoặc mua về sử dụng trong gia đình. Thưởng thức các món ăn ngày tết với ruốc rươi khiến hương vị món ăn thêm đậm đà hấp dẫn, thơm ngon lại đỡ ngấy hơn. Ruốc rươi bùi bùi, béo béo, cay nồng, thơm mùi đặc trưng, dù là ai cũng sẽ không tiếc lời khen ngợi.

Cách chế biến ruốc rươi

Gọi là ruốc nhưng ruốc rươi chế biến rất cầu kỳ chứ không đơn giản như các loại ruốc thông thường như ruốc lợn, ruốc cá hay ruốc nấm. Ruốc rươi được làm từ nguyên liệu chính là con rươi, ngoài ra còn cần có thính gạo nếp rang chín để nguội, hành khô băm nhỏ, bột gừng và bột vỏ quýt…

Thời điểm làm ruốc rươi cũng phải được lựa chọn cẩn thận như các chọn rươi làm ruốc vậy. Ruốc rươi ngon nhất bắt đầu được làm từ khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm. Cũng bởi đây là mùa rươi nổi, cho những mẻ rươi tươi ngon, đỏ hồng, béo ngậy, to khỏe nhất. Để có được những hũ ruốc rươi ngon thì rươi phải tươi chứ không nên dùng rươi đông lạnh.

Thưởng thức mắm rươi Tứ Kỳ
Ruốc rươi được làm từ nguyên liệu chính là rươi

Rươi đem về phải làm thật sạch. Đầu tiên là rửa rươi nhẹ nhàng với nước lạnh để rươi không bị vỡ mình, nhặt sạch rác và những con chết bỏ đi. Sau đó đun nước nóng đến khoảng 80 – 90 độ để trần rươi cho rụng bớt lớp lông, lặp đi lặp lại vài lần như thế, người ta gọi công đoạn này là làm sạch lông. Sau khi đã làm sạch, rươi được đổ ra rổ để cho ráo nước.

Rươi đã làm sạch được tán nhuyễn, xay nhỏ với hành khô rồi trộn muối theo tỷ lệ 600g rươi với 100g muối, sau đó cho vào hũ sành và đem phơi nắng hoặc treo trong giàn bếp, hơi nóng bốc lên từ bếp củi hoặc bếp rơm sẽ khiến rươi nhanh chín. Những ngày có nắng, hũ rươi được đem ra phơi để ruốc được thơm ngon, có màu đẹp hơn. Người làm ruốc rươi phải chú ý công đoạn bảo quản, tránh ruồi bọ, mưa gió, nước lạnh…

>> Tham khảo: Tại sao ăn rươi hay bị dị ứng, ngộ độc?

Trong tuần đầu tiên, mỗi ngày ruốc rươi đều phải được đánh đều lên 1 lần. Khi được khoảng 2-3 tuần thì cho rượu vào hũ với tỷ lệ cứ 1 kg rươi thì cho 1 chén sứ rượu. Khi được 4-5 tuần thì cho bột thính gạo nếp với tỷ lệ 1 kg mắm cho 2 chén sứ. Được 6-7 tuần người ta lại cho bột gừng, bột vỏ quýt với tỷ lệ 1 kg mắm rươi cho 1 chén bột gừng và 1 chén bột vỏ quýt. Ruốc ủ được 8 tuần thì chuyển ruốc từ hũ sành sang chai, nút chặt, bọc ni-lông để sử dụng. Ruốc rươi càng để lâu càng dậy mùi thơm.

Ruốc rươi trở thành gia vị chấm vô cùng hấp dẫn, thơm ngon
Ruốc rươi trở thành gia vị chấm vô cùng hấp dẫn, thơm ngon

Ruốc rươi khi dùng phải là ruốc nguyên chất, không được đem đun chín vì như vậy sẽ làm mất đi hương vị đặc trưng của rươi. Có thể nói không loại nước chấm nào ngon bằng ruốc rươi. Ruốc rươi rất hợp với các món như thịt ba chỉ luộc, thịt quay, thịt hấp, thịt vịt nướng… Khi thưởng thức ruốc rươi với các món thịt này, người ta thường chuẩn bị thêm các món ăn kèm như dứa, chuối xanh, khế chua, hành hoa, lá mơ…

Rươi tuy rất bổ dưỡng và thơm ngon nhưng lại dễ gây ra dị ứng, ngộ độc nên trong quá trình chế biến bạn cần tuân thủ những quy tắc nhất định. Món ruốc rươi là món ăn có cách chế biến cầu kỳ và phức tạp nhất trong các cách chế biến rươi, đòi hỏi nhiều sự cẩn thận và chu đáo. Thế nhưng thành quả sẽ xứng đáng với công sức bỏ ra, ruốc rươi hẳn là thức quà quý mà bạn nhất định phải thưởng thức một lần trong đời.

Rươi chất lượng nhất cho món Ruốc rươi, bạn đã biết mua ở đâu chưa? Đến ngay Cửa hàng Đặc sản Bá Kiến để sở hữu đặc sản Rươi Tứ Kỳ tươi ngon!

❌ Truy cập nhanh TẠI ĐÂY ❌

Rươi tươi ngon tại cửa hàng đặc sản Bá Kiến
Rươi tươi ngon tại cửa hàng đặc sản Bá Kiến