Bà bầu có nên ăn rươi không?

Rươi là một đặc sản của Miền Bắc được nhiều người săn đón, là nguyên liệu chính để chế biến rất nhiều món ngon từ rươi.  Rươi không chỉ là một món ăn lạ, ngon mà còn rất bổ dưỡng. Cách chế biến rươi cũng không quá phức tạp nên khi đến mùa rươi, bên cạnh các nhà hàng rươi truyền thống luôn nhận được nhiều sự quan tâm của thực khách thì cũng nhiều người ưu tiên cho công cuộc chế biến rươi ngay tại nhà. Vậy bà bầu có nên ăn rươi không? Cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!

Dinh dưỡng có trong rươi đối với bà bầu

Phụ nữ mang thai là đối tượng được quan tâm chăm sóc nhất. Trong thai kì người phụ nữ thường được bổ sung nhiều loại dinh dưỡng nhằm đảm bảo cho sức khỏe của mẹ và bé, chuẩn bị cho quá trình sinh nở và chăm sóc con trẻ sau này.

Đặc sản rươi được biết đến là loại thực phẩm quý có nguồn dinh dưỡng dồi dào, thực tế chứng minh rằng loài hải trùng này còn bổ dưỡng hơn thịt bê non có cùng trọng lượng. Cứ trong 100g rươi thì có 81,9g nước 12,4g protid, 4,4g lipid, 92 calo. Rươi giàu đạm, ngoài ra nó còn chứa nhiều loại muối khoáng như canxi, photpho, sắt, kẽm… Chính vì vậy, nhiều người còn dành loại đặc sản này cho bà bầu tẩm bổ. Tuy nhiên, bà bầu cần cẩn trọng khi ăn các món chế biến từ rươi.

Bà bầu nên cẩn trọng khi ăn rươi
Bà bầu nên cẩn trọng khi ăn rươi

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bà bầu có thể ăn được rươi. Phụ nữ đang mang thai ăn rươi có thể cung cấp một lượng chất dinh dưỡng khá tốt cho cơ thể, đồng thời bổ sung thêm đạm. Tuy nhiên cũng vì rươi rất giàu đạm cho nên bà bầu không nên ăn nhiều, bởi ăn nhiều rươi có thể gây khó tiêu, không có lợi cho tiêu hóa, gây ảnh hưởng không tốt cho em bé và quá trình mang thai.

Ảnh hưởng của rươi đối với bà bầu

Khi sử dụng quá nhiều rươi, bà bầu có thể gặp phải một số ảnh hưởng xấu đến cơ thể như sau:

Bị nhiễm độc từ rươi: Con rươi là sinh vật sống ở đáy nước dưới bùn cát, cho nên không tránh khỏi việc bị nhiễm một số chất từ môi trường sống đặc biệt nếu môi trường bị ô nhiễm. Sử dụng quá nhiều rươi gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ bầu.

Gây khó tiêu, không tốt cho hệ tiêu hóa: Rươi chứa nhiều dinh dưỡng, lại rất giàu đạm nên khi ăn có thể bị trướng bụng, khó tiêu không tốt cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra đạm trong con rươi khác với đạm trong thịt lợn, thịt bò nên có thể gây dị ứng cho người ăn. Khi ăn, cơ thể sẽ hấp thu lượng đạm từ rươi như một dị nguyên, ngấm vào cơ thể, gây ra phản ứng không tốt đối với cơ thể.

Chuẩn bị nguyên liệu làm nem rươi
Một số lưu ý khi ăn rươi

Gây dị ứng: Điều này đặc biệt dễ xảy ra đối với những mẹ bầu đã có tiền sử dị ứng với hải sản từ trước đó. Nếu bạn không ăn được các loại tôm, cua, nhộng, mực, ghẹ… thì tuyệt đối không nên thử ăn rươi.

Làm lên cơn hen: Ăn rươi rất nguy hiểm đối đối với những mẹ bầu có tiền sử bị bệnh hen. Chất có trong con rươi có khả năng làm cơn hen kéo dài hơn và nghiêm trọng hơn.

Xem thêm:

Không chỉ có bà bầu cần hạn chế ăn rươi, đối với trẻ em, hệ tiêu hóa của bé còn non nớt, cũng không nên cho bé ăn nhiều rươi. Trước khi cho bé ăn, bạn nên cho bé ăn một chút trước để xem phản ứng của cơ thể bé với món ăn này.

Chế biến rươi đúng cách

Trên thực tế, dù không phải là đối tượng cần chú ý khi ăn rươi nhưng khi chọn mua, và chế biến rươi bạn đều phải cẩn trọng. Nếu không biết cách chế biến có thể gây nguy hiểm cho người thưởng thức, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ là những đối tượng nhạy cảm thì càng dễ bị ảnh hưởng hơn.

Ăn phải rươi chết, rươi phân hủy, rươi chất lượng kém sẽ có nguy cơ gây ngộ độc. Vì thế, khi mua rươi tươi cần mua những con to khỏe, đỏ hồng, bơi ở phía trên… Còn khi mua rươi đông lạnh, nghĩa là rươi đã qua sơ chế cẩn thận và cấp đông thì cần mua rươi ở những cơ sở uy tín. Quá trình bảo quản rươi trong tủ lạnh và sơ chế rươi cũng cần thực hiện đúng cách để không làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như sự an toàn khi thưởng thức loại đặc sản này.

Một chú ý nữa là khi ăn rươi bạn nên ăn kèm với vỏ quýt. Theo Đông Y, vỏ quýt (còn được gọi là trần bì) khi ăn có rất nhiều tác dụng, và có ích trong việc phòng và chữa những bệnh một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, rất có lợi đối với cơ thể. Vỏ quýt tươi chứa 3.8% tinh dầu, 9% hectozan, và còn có một số chất như carotene, vitamin B1, B2… Ngoài ra, tinh dầu vỏ quýt có vị the và mùi thơm rất dễ chịu.

Sơ chế rươi đúng cách sẽ giúp món ăn của bạn thêm thơm ngon
Sơ chế rươi đúng cách sẽ giúp món ăn của bạn thêm thơm ngon và an toàn

Vỏ quýt là nguyên liệu không thể thiếu để hỗ trợ tiêu hóa và làm nên hương vị đặc trưng cho các món rươi. Bên cạnh đó, nhiều loại nguyên liệu khác cũng được sử dụng kèm theo như lá gừng, lá lốt, lá gấc…

Rươi có thể chế biến thành rất nhiều món ngon, thành phần chính có thể chỉ có rươi hoặc kết hợp với các loại thực phẩm khác. Những món ăn đặc sắc nhất từ rươi có thể kể đến ở đây như: rươi xào củ niễng, chả rươi, mắm rươi, rươi kho nồi đất, lẩu rươi, rươi rang muối…

Thưởng thức rươi là cái thú vui của người sành ăn mỗi độ thu về với miền Bắc, những người không được ăn rươi hẳn sẽ là niềm tiếc nuối khôn nguôi. Tuy vậy, vì sự an toàn cho sức khỏe, chỉ nên thưởng thức món ăn này khi đảm bảo các điều kiện về sức khỏe bạn nhé!